Read more

Howen Media

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.

Thiền Sư Và Em Bé Năm Tuổi

Phương Pháp Trị Liệu Khổ Đau Từ Thời Thơ Ấu

Phần 1. Phương Pháp Trị Liệu

Chương 1. Năng Lượng Chánh Niệm



Nghe hoặc Tải MP3 quyển 'Thiền Sư Và Em Bé 5 Tuổi
ê      

Năng lượng chánh niệm là phương thuốc giúp ta nhận diện và chữa trị cho em bé trong ta. Nhưng chúng ta chế tác năng lượng này như thế nào?

Tâm lý học đạo Bụt chia tâm thức ra làm hai phần: Một phần là ý thức và phần kia là tàng thức. Ý thức là phần thức hoạt động của chúng ta. Tâm lý học phương Tây cũng gọi là ‘Ý thức’. Để vun bồi cho năng lượng chánh niệm, chúng ta phải cố gắng đưa ý thức của mình vào tất cả các hoạt động hằng ngày và thực sự có mặt với bất cứ công việc gì mà chúng ta đang làm. Chúng ta cần ý thức khi uống trà hoặc khi lái xe. Khi đi, chúng ta cũng ý thức rằng mình đang đi. Khi thở, phải ý thức là mình đang thở.

Tàng thức, được gọi là căn bản thức, là nền tảng của tâm thức ta. Tâm lý học phương Tây gọi là ‘vô thức’. Đó là nơi mà tất cả những kinh nghiệm của quá khứ được lưu trữ lại. Tàng thức có khả năng học hỏi và xử lý tất cả những thông tin.

Thông thường, tâm ta không có mặt với thân. Có khi chúng ta làm những công việc hằng ngày mà không hề có một chút ý thức nào cả. Chúng ta có thể làm nhiều việc chỉ bằng tàng thức, trong khi ý thức đang nghĩ về hàng ngàn thứ khác. Ví dụ, khi lái xe vào thành phố, ý thức của chúng ta có thể không nghĩ đến việc lái xe, nhưng chúng ta vẫn có thể đến nơi an toàn mà không bị lạc đường hoặc xảy ra tai nạn. Đó là do tàng thức tự nó làm việc.

Tâm thức của chúng ta giống như một căn nhà mà tầng hầm là tàng thức và phòng khách là ý thức. Những tâm hành như giận dữ, đau buồn hay vui vẻ… nằm trong tàng thức dưới hình thức những hạt giống (Bīja). Chúng ta có hạt giống giận dữ, tuyệt vọng, kỳ thị, sợ hãi, và cũng có hạt giống chánh niệm, từ bi, hiểu biết… Tàng thức được tạo ra từ toàn thể những hạt giống ấy và cũng là đất để bảo tồn và duy trì tất cả các hạt giống ấy. Những hạt giống nằm yên đó, cho đến khi năm giác quan của chúng ta tiếp xúc với một đối tượng nào đó (như chúng ta nghe, thấy, đọc hoặc nghĩ về một điều gì) chạm đến những hạt giống ấy làm cho ta giận dữ, đau buồn hay vui mừng.

Đó là do hạt giống đi lên và biểu hiện trên tầng ý thức, trong phòng khách của chúng ta. Lúc bấy giờ ta không gọi nó là hạt giống nữa mà gọi là tâm hành.

Khi có ai nói hay làm một điều gì đó chạm vào hạt giống giận dữ của ta, làm cho ta buồn khổ, thì hạt giống giận dữ đó sẽ đi lên và biểu hiện trong ý thức ta dưới dạng một tâm hành (cittasaṃskāra) giận dữ. Từ ‘hành’ là một từ chuyên môn trong đạo Bụt dùng để chỉ một sự vật hay sự kiện được tạo ra bởi nhiều nhân duyên điều kiện kết hợp lại với nhau. Cây viết bảng là một hành; bàn tay, bông hoa, cái bàn, căn nhà… tất cả đều là hành. Căn nhà là một vật lý hành. Bàn tay tôi là một sinh lý hành. Sự giận dữ là một tâm lý hành. Trong tâm lý học đạo Bụt, chúng ta thường nói về năm mươi mốt hạt giống khác nhau có thể biểu hiện thành năm mươi mốt tâm hành. Giận dữ chỉ là một trong những tâm hành đó. Trong tàng thức, giận được gọi là hạt giống nhưng trong ý thức, nó được gọi là tâm hành.

Bất kể khi nào một hạt giống, ví dụ như hạt giống giận chẳng hạn, đi lên phòng khách và biểu hiện thành một tâm hành thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là tiếp xúc với hạt giống chánh niệm và mời chánh niệm cùng lên theo. Bây giờ, chúng ta có hai tâm hành trong phòng khách. Đó là chánh niệm và cơn giận. Chánh niệm luôn luôn phải là chánh niệm về cái gì. Khi chúng ta thở có chánh niệm, thì đó là chánh niệm về hơi thở. Khi chúng ta đi có chánh niệm thì đó là chánh niệm về đi. Khi chúng ta ăn có chánh niệm thì đó là chánh niệm về ăn. Cũng vậy, trong trường hợp này, chánh niệm của ta là chánh niệm về cơn giận. Chánh niệm giúp ta nhận diện và ôm ấp cơn giận của mình.


Sự thực tập của chúng ta là dựa trên tuệ giác bất nhị. Cơn giận không phải là kẻ thù của ta. Cả chánh niệm và cơn giận đều là ta. Chánh niệm có đó nhưng không phải để đàn áp hay đánh nhau với cơn giận mà để nhận diện và chăm sóc cơn giận. Giống như một người anh lớn đang giúp đỡ cho người em của mình. Vì vậy, năng lượng của sự giận dữ được năng lượng chánh niệm nhận diện và ôm ấp một cách dịu dàng.

 

Mỗi khi cần đến năng lượng chánh niệm, chúng ta chỉ cần chạm vào hạt giống chánh niệm bằng hơi thở ý thức, bằng bước chân thiền hành và mỉm cười an lạc thì chúng ta sẽ có được nguồn năng lượng ấy, sẵn sàng để làm công việc nhận diện, ôm ấp, nhìn sâu và chuyển hóa. Bất kể những gì chúng ta làm như nấu ăn, quét nhà, rửa chén, đi lại, ý thức về hơi thở, chúng ta đều có thể tiếp tục chế tác được năng lượng chánh niệm và hạt giống chánh niệm trong chúng ta sẽ trở nên vững mạnh hơn. Trong hạt giống chánh niệm có hạt giống của chánh định. Với hai nguồn năng lượng này, chúng ta có thể giải thoát chính mình ra khỏi những phiền não trói buộc.

Tâm Cần Được Thông Thương

Chúng ta biết rằng trong cơ thể ta có nhiều độc tố, nếu máu huyết không lưu thông tốt thì những độc tố ấy sẽ tích tụ lại và sinh ra bệnh tật. Khi máu huyết lưu thông tốt, thận và gan có thể làm đúng chức năng thải chất độc. Và chúng ta duy trì được sức khỏe tốt. Chúng ta cũng có thể dùng cách xoa bóp để giúp máu huyết lưu thông tốt hơn.

Tâm của chúng ta cũng vậy, cũng cần được lưu thông. Có thể tâm ta đang ở trong tình trạng kém lưu thông. Có thể chúng ta đang có một khối phiền não, đau buồn, sầu khổ hoặc tuyệt vọng tồn tại như những độc tố trong tâm thức ta. Ta gọi chúng là những nội kết. Ôm ấp những nội kết, những đau buồn, sầu khổ với năng lượng chánh niệm là sự thực tập xoa bóp cho tâm thức. Khi máu huyết không lưu thông tốt, những cơ quan trong cơ thể ta không thể hoạt động đúng chức năng của nó và chúng ta sẽ bị bệnh tật. Khi tâm của chúng ta không lưu thông tốt, tâm của chúng ta cũng sẽ trở nên bệnh hoạn. Do vậy, ta phải dùng chánh niệm để kích hoạt, làm cho lưu thông trở nên tốt hơn để đến chăm sóc những khối buồn khổ trong ta.

Chiếm Giữ Phòng Khách

Những khối đau buồn, sầu khổ, giận hờn và tuyệt vọng luôn muốn biểu hiện lên trên bề mặt ý thức, tức là phòng khách của ta, bởi vì chúng phát triển quá mạnh và cần sự chú ý của ta. Chúng muốn trồi lên nhưng ta lại không muốn những người khách không mời này xuất hiện bởi vì nhìn thấy chúng là chúng ta đau khổ. Cho nên chúng ta cố gắng ngăn chặn con đường của chúng. Chúng ta muốn chúng ngủ yên ở bên dưới tầng hầm. Chúng ta không muốn đối diện với chúng, thói quen của chúng ta là làm kín phòng khách của mình bằng những vị khách khác. Bất kể khi nào có được mười, mười lăm phút rảnh rỗi là ta làm điều gì đó để phòng khách của ta luôn bận rộn. Ta gọi điện cho bạn bè, cầm sách lên đọc, mở truyền hình lên xem hoặc lái xe đi đâu đó. Ta hy vọng rằng nếu phòng khách bị chiếm cứ thì những tâm hành không dễ chịu sẽ không biểu hiện.

Tuy nhiên, tất cả những tâm hành của ta đều cần được lưu thông. Nếu ta không cho chúng biểu hiện thì tâm ta sẽ kém lưu thông, và như vậy những triệu chứng của bệnh tâm thần và trầm cảm sẽ bắt đầu biểu hiện trong thân tâm ta.

Đôi khi ta đau đầu, nhưng uống thuốc aspirin mà cơn đau đầu vẫn không hết. Kiểu đau đầu này có thể là triệu chứng của một căn bệnh thuộc về tinh thần. Hoặc giả chúng ta bị dị ứng và chúng ta nghĩ rằng đó là vấn đề thuộc về cơ thể, tuy nhiên dị ứng cũng có thể là triệu chứng của bệnh về tinh thần. Các bác sĩ khuyên chúng ta uống thuốc nhưng đôi khi những thứ thuốc đó tiếp tục đè nén khối nội kết trong ta, làm cho bệnh tình của chúng ta ngày càng tệ hại hơn.

Phá Tung Rào Cản

Nếu học được cách bình thản trước những khối phiền não trong ta, chúng ta sẽ dần dần cho phép chúng lưu chuyển trong phòng khách của mình. Chúng ta sẽ học cách ôm ấp và chuyển hóa chúng bằng năng lượng chánh niệm. Khi chúng ta phá được những rào cản giữa tầng hầm tàng thức và phòng khách ý thức thì những khối phiền não sẽ đi lên, có thể chúng ta phải chịu đau khổ một chút. Đứa trẻ trong ta có thể có nhiều sợ hãi và giận dữ sau thời gian chất chứa lâu ngày dưới tầng hầm, không có cách nào tránh thoát được.

Đó là lý do tại sao sự thực tập chánh niệm rất quan trọng. Nếu chánh niệm không có đó thì chúng ta sẽ rất khổ đau, khó chịu khi những hạt giống ấy biểu hiện. Nhưng nếu chúng ta biết cách chế tác năng lượng chánh niệm thì việc mời khổ đau đi lên mỗi ngày và ôm ấp chúng sẽ có tác dụng trị liệu. Chánh niệm là một nguồn năng lượng hùng hậu có khả năng nhận diện, ôm ấp và chăm sóc những năng lượng tiêu cực. Có thể ban đầu những hạt giống tiêu cực này không muốn đi lên, vì trong ta có quá nhiều lo sợ và nghi ngờ, cho nên chúng ta phải dỗ dành chúng một chút. Sau khi được ôm ấp một thời gian, cơn cảm xúc mạnh sẽ quay xuống tầng hầm tàng thức và trở thành hạt giống trở lại, tuy nhiên nó sẽ yếu hơn trước.

Mỗi khi ta cho khối nội kết trong ta được tắm gội trong dòng suối chánh niệm thì cái khối đau buồn trong ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, vì thế hãy cho cơn giận, sự tuyệt vọng, niềm lo sợ được tắm gội trong chánh niệm mỗi ngày. Sau vài ngày hoặc một tuần, ta mang chúng lên trên bề mặt ý thức và sau đó giúp chúng quay xuống trở lại dưới tàng thức, như thế chúng ta sẽ tạo ra một sự lưu thông tốt cho tâm thức ta.

Chức Năng Của Chánh Niệm

Chức năng đầu tiên của chánh niệm là nhận diện mà không đấu tranh. Chúng ta có thể dừng lại bất cứ lúc nào và ý thức về em bé trong ta. Lần đầu tiên khi nhận diện em bé bị tổn thương, tất cả những gì chúng ta cần làm là ý thức về em bé đó và chào em bé. Chỉ có vậy thôi. Có thể em bé đang buồn. Nếu nhận diện được điều này chúng ta chỉ cần thở vào, thở ra với chính mình và tự nhủ rằng: “Thở vào, tôi biết sự đau buồn đang biểu hiện trong tôi. Chào em, khối đau buồn của tôi. Thở ra, tôi hứa sẽ chăm sóc em cho đàng hoàng.”

Một khi đã nhận diện được em bé, công việc thứ hai của chánh niệm là ôm ấp nó. Đây là một sự thực tập rất thú vị. Thay vì dằn vặt, đánh nhau với những cảm xúc của mình, chúng ta chăm sóc chúng cho đàng hoàng. Chánh niệm mang đến cho ta một người bạn, đó là Định. Chỉ sau vài phút nhận diện và ôm ấp em bé bằng sự ân cần nhẹ nhàng, ta sẽ thấy nguôi ngoai và nhẹ nhõm. Những cảm xúc khó khăn vẫn còn đó nhưng ta không còn đau khổ nhiều nữa.

Sau khi nhận diện và ôm ấp em bé bị tổn thương, chức năng thứ ba của chánh niệm là xoa dịu và làm vơi nhẹ những cảm xúc khó chịu. Chỉ bằng cách ôm ấp em bé nhẹ nhàng, xoa dịu cảm xúc là ta đã bắt đầu cảm thấy dễ chịu rồi. Khi ôm ấp những cảm xúc mạnh của mình bằng chánh niệm và chánh định, chúng ta sẽ có khả năng thấy được gốc rễ của những tâm hành ấy. Chúng ta biết được nỗi khổ của ta bắt đầu từ đâu. Khi chúng ta nhìn ra được nguồn gốc của mọi vấn đề, những đau khổ trong ta sẽ được thuyên giảm. Vì vậy, chánh niệm giúp ta nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu khổ đau. Năng lượng chánh niệm chứa đựng trong nó năng lượng của định và tuệ. Định giúp chúng ta chú tâm vào một đối tượng duy nhất. Nhờ định mà năng lượng quán chiếu trở nên mạnh mẽ hơn và tuệ giác là điều ta có thể đạt được. Tuệ giác luôn luôn là một nguồn sức mạnh giải phóng chúng ta. Khi chánh niệm có mặt, nếu chúng ta biết cách duy trì nguồn năng lượng chánh niệm này thì định cũng sẽ có mặt. Và nếu chúng ta biết cách duy trì nguồn định lực thì tuệ giác sẽ phát sinh. Năng lượng chánh niệm giúp ta nhìn sâu và đạt được tuệ giác mà ta cần để chuyển hóa khó khăn và khổ đau.

Xem Tiếp Chương 2Quay Về Mục Lục