Read more
Howen Media
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Thiền Sư Và Em Bé Năm Tuổi
Phương Pháp Trị Liệu Khổ Đau Từ Thời Thơ Ấu
Chương 2. Ta Là Tổ Tiên Của Ta, Đồng Thời Là Con Cháu Của Ta
Tôi không biết quý vị
có nhớ gì khoảng thời gian mình còn ở trong bụng mẹ không. Tất cả chúng ta đều
trải qua chín tháng ở đó, một khoảng thời gian khá dài. Tôi nghĩ là một số
trong chúng ta có thể vẫn còn nhớ điều gì đó hay một cảm thọ nào đó. Trong khoảng
thời gian ấy, chúng ta khóc hay cười? Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có cơ hội
mỉm cười trong khoảng thời gian chín tháng trong bụng mẹ. Khi hạnh phúc, chúng
ta có khuynh hướng mỉm cười. Tôi đã từng thấy những đứa trẻ mỉm cười trong lúc
ngủ. Phải có một cái gì đó vui tươi, mầu nhiệm trong chúng, chúng mới cười như
vậy.
Tôi tin rằng, đa số
chúng ta vẫn còn nhớ khoảng thời gian mình ở trong bụng mẹ. Có thể chúng ta có ấn
tượng rằng mình đang ở trong một thiên đường, vô cùng an toàn, ở đó chúng ta được
bảo hộ, không cần lo lắng bất cứ điều gì. Trong tiếng Việt, chúng ta gọi bụng mẹ
là ‘tử cung’, cung điện của đứa bé.
Ở trong cung điện
này, mẹ ăn cho ta, uống cho ta và thở cho ta. Quý vị có nghĩ rằng thỉnh thoảng
trong bụng mẹ ta cũng mơ không? Chúng ta chưa thấy được bầu trời, dòng sông bên
ngoài. Tuy nhiên trong giấc mơ chúng ta có thể thấy một cái gì đó. Có lẽ trong
khi mẹ mình đang mơ mình cũng thấy những gì mẹ thấy. Nếu mẹ mình mơ một điều gì
đó không dễ chịu lắm và mẹ khóc thì có thể ta cũng khóc. Nếu mẹ cười, có lẽ
chúng ta cũng cười. Mẹ và ta giống như là một, chứ không phải là hai người khác
nhau. Giữa ta và mẹ có một đường dây kết nối với nhau đi qua cuống rốn. Qua cuống
rốn mẹ truyền thức ăn, thức uống, oxy và mọi thứ cho ta, kể cả tình thương.
Điều này không có
nghĩa là cha ta không truyền cho ta cái gì cả trong giai đoạn này. Một số trong
chúng ta biết rằng ta đang có cha ở đó, chăm sóc mẹ rất đàng hoàng để mẹ có thể
chăm sóc cho ta. Một số trong chúng ta có những người cha nói chuyện với mẹ rất
ngọt ngào dễ thương, và cũng nói chuyện nhẹ nhàng trìu mến với ta qua bụng mẹ,
biết rằng ta có thể nghe những gì cha nói.
Một số trong chúng ta
cũng có những người mẹ nói chuyện với ta khi ta còn ở trong bụng mẹ. Có lẽ
chúng ta cũng nghe mẹ nói và trả lời với mẹ. Có thể đôi khi mẹ cũng quên là ta
đang ở đó nên ta đá mẹ một cái để nhắc nhở mẹ là ta đang ở đây. Cái đá của ta
là một tiếng chuông chánh niệm, và khi mẹ cảm được điều đó thì mẹ sẽ trả lời
ngay: “Con yêu, mẹ biết con ở đó nên mẹ rất hạnh phúc.”
Khi ta sinh ra, có
người cắt cuống rốn cho ta. Ta bật khóc tiếng khóc đầu tiên. Ta phải tự thở một
mình. Có rất nhiều ánh sáng chung quanh ta. Bây giờ ta đang ở ngoài bụng mẹ,
nhưng bằng cách này hay cách khác ta cũng ở trong mẹ. Mẹ tiếp tục ôm ấp ta. Mẹ
ôm ấp ta bằng tình thương của mẹ. Ta cũng ôm mẹ. Mặc dù cuống rốn không còn nữa,
nhưng ta vẫn kết nối với mẹ bằng một cách thân mật và cụ thể.
Tương Tức
Thiền tập giúp chúng
ta có thể thấy được sợi dây kết nối giữa ta với mẹ. Chúng ta thấy rằng mẹ không
những ở bên ngoài ta mà còn ở bên trong ta nữa. Cuống rốn vẫn còn đó. Khi nhìn
sâu, chúng ta cũng thấy rằng cuống rốn nối chúng ta với những thứ khác, với những
người khác. Hãy tưởng tượng cuống rốn nối ta với mặt trời. Mặt trời mọc mỗi
sáng, nhờ mặt trời ta mới có ánh sáng, có hơi ấm. Không có mặt trời, không có
hơi ấm chúng ta không thể sống được. Chúng ta nương tựa vào mặt trời giống như
ta nương tựa mẹ vậy. Vì vậy cuống rốn nối ta với mặt trời. Một cuống rốn khác lại
nối ta với đám mây trên bầu trời, bởi vì nếu đám mây không có đó thì sẽ không
có mưa, sẽ không có nước để uống, không có sữa, không có trà, không có cà phê,
không có cà rem, không có gì cả. Lại có một cuống rốn khác nối ta với dòng
sông, và một cuống khác nối ta với rừng cây. Nếu tiếp tục quán chiếu, chúng ta
sẽ thấy rằng chúng ta được kết nối với mọi người và mọi loài trong vũ trụ này.
Chúng ta nương vào những loài khác để tồn tại. Chúng ta cần cả loài hữu tình lẫn
vô tình như cây cối, khoáng chất, không khí và nước.
Khi lớn lên, có thể chúng ta tin rằng ta và mẹ ta là hai người khác nhau. Tuy nhiên điều đó không đúng. Chúng ta là sự nối dài của mẹ. Chúng ta nhầm lẫn, tin rằng ta khác mẹ. Nhưng chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ và của cả tổ tiên ta nữa.
Hãy tưởng tượng một hạt
bắp ta gieo xuống đất. Bảy ngày sau, nó nảy mầm và bắt đầu hình thành cây bắp
con. Khi cây bắp lớn lên, nó không thấy hạt bắp nữa, nhưng hạt bắp không chết.
Hạt bắp vẫn còn đó. Nhìn sâu chúng ta vẫn có thể thấy được hạt bắp trong cây bắp.
Hạt bắp và cây bắp không phải là hai thực thể riêng biệt. Cái này là sự tiếp nối
của cái kia. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp đi về tương lai, và hạt bắp là
sự tiếp nối của cây bắp đi về quá khứ. Chúng không phải một mà cũng không phải
khác. Ta và mẹ ta cũng vậy, cũng không phải là một người, mà cũng không phải là
hai người khác nhau. Điều này rất quan trọng. Không ai có thể một mình mà tồn tại
được. Chúng ta phải nương nhau, tương tức với nhau, kết nối với mọi người, mọi
loài và tất cả những thứ khác.
Nếu nhìn vào một tế
bào trên cơ thể ta, hoặc một tế bào trong tâm thức ta, chúng ta sẽ nhận ra được
sự có mặt của tất cả các thế hệ tổ tiên trong ta. Tổ tiên của ta không chỉ là
loài người thôi. Trước khi loài người xuất hiện, chúng ta đã là những loài khác
rồi. Chúng ta từng là cây, từng là đá, từng là khoáng vật, từng là con sóc, con
nai, con khỉ và sinh vật đơn bào. Tất cả các thế hệ tổ tiên đều có mặt trong mỗi
tế bào trên cơ thể và tâm thức ta. Chúng ta là sự tiếp nối của cả một dòng sinh
mạng.
Giả sử chúng ta cầm
chiếc lá trên tay, chúng ta có thấy gì không? Chiếc lá là chiếc lá, chiếc lá
không phải là bông hoa. Nhưng thực tế khi nhìn sâu vào chiếc lá, chúng ta sẽ thấy
rất nhiều thứ trong đó. Chúng ta có thể thấy cây cối, thấy ánh nắng mặt trời,
thấy đám mây và thấy đại địa. Khi chúng ta phát âm từ ‘lá’, chúng ta phải ý thức
rằng lá được làm bằng những yếu tố không phải lá. Nếu ta lấy đi yếu tố không phải
lá như ánh nắng mặt trời, đám mây, đất đai ra khỏi chiếc lá thì sẽ không có chiếc
lá nào tồn tại cả. Hình hài ta cũng vậy. Chúng ta không phải là một cũng không
phải khác với những sinh vật hữu tình hay vô tình khác. Chúng ta kết nối với tất
cả và tất cả đang còn hiện hữu trong ta.
Ba Nghiệp Thân Khẩu Ý
Các nhạc sĩ hay hoạ
sĩ thường ký tên mình lên những bản nhạc hoặc tác phẩm mà họ sáng tác. Trong đời
sống hằng ngày, chúng ta cũng tạo ra chữ ký của mình qua những suy nghĩ, lời
nói và hành động. Khi tạo ra một suy nghĩ, chúng ta cũng mang theo chữ ký của
mình. Nhìn vào suy nghĩ, dù đúng hay sai, chúng ta luôn thấy chữ ký của chúng
ta, bởi vì nó là sản phẩm của ta. Suy nghĩ chân chánh (chánh tư duy) là suy
nghĩ luôn đi đôi với sự hiểu biết, tình thương và tuệ giác. Trong đời sống hằng
ngày chúng ta phải cẩn trọng để chỉ tạo ra những suy nghĩ phù hợp với chánh tư
duy. Chúng ta có cơ hội tạo ra chánh tư duy trong mỗi giây mỗi phút. Suy nghĩ của
chúng ta là nền tảng của lời nói và hành động. Chúng ta trao truyền suy nghĩ, lời
nói và hành động (mà ta gọi là ba nghiệp) cho con cháu chúng ta và cho cả thế
giới. Đó là tương lai của chúng ta.
Những gì chúng ta nói
cũng là sản phẩm của ta. Cho dù lời nói của ta đúng hay sai (chánh ngữ hay tà
ngữ), nó cũng mang theo chữ ký của ta. Những gì ta nói có thể gây nên sự giận dữ,
tuyệt vọng, hoặc bi quan. Lời nói của ta có thể gây nên đau khổ và tai hại. Vì
vậy, chúng ta phải thực tập chánh niệm để có thể chỉ nói những lời chánh ngữ,
những lời nói đi đôi với hiểu biết, từ bi, an vui và tha thứ. Nhờ thực tập
chánh niệm, chúng ta có thể tạo ra những lời nói chánh ngữ trong mỗi phút mỗi
giây. Đó là những gì mà ta trao truyền cho con cháu ta và cho cả thế giới. Đó
là sự tiếp nối của ta.
Hành động của ta cũng
mang chữ ký của chúng ta. Những gì ta làm để bảo vệ sự sống, để giúp đỡ mọi người
vơi bớt khổ đau, để chia sẻ sự hiểu biết và thương yêu với người khác đều là
hành động chân chánh (chánh nghiệp). Chúng ta phải có chánh niệm để không tạo
ra bất kỳ một hành động nào mang tính bạo lực, hận thù, sợ hãi và kỳ thị, bởi
vì những hành động này cũng mang theo chữ ký của ta. Chúng ta không thể chối bỏ
nó là sản phẩm của ta. Nó thực sự đến từ ta. Chúng ta tạo ra chính mình, và tạo
ra tương lai. Chúng ta phải hiến tặng những suy nghĩ, lời nói và hành động hay
nhất của ta. Chánh niệm giúp ta biết là ta có đang tạo ra những điều tốt đẹp
cho tương lai của ta hay không, chánh niệm cũng giúp ta nhớ rằng những gì chúng
ta đang tạo ra là chính chúng ta, là tương lai của chúng ta.
Đi Với Tổ Tiên
Khi còn là em bé bốn
tuổi, chúng ta có thể nghĩ rằng: ta chỉ là một đứa con nít bốn tuổi, non nớt bé
bỏng. Tuy nhiên thực tế ta đã là một người mẹ, một người cha rồi. Tất cả những
thế hệ quá khứ và tương lai đều đang có mặt trong cơ thể ta. Khi bước đi trên
bãi cỏ xanh tươi của mùa xuân, chúng ta đi như thế nào để cho tất cả tổ tiên của
chúng ta cùng bước với ta. Niềm an vui, hạnh phúc và tự do trong mỗi bước chân
sẽ thấm nhuần năng lượng của các thế hệ tổ tiên và con cháu ta. Chúng ta đi bằng
năng lượng chánh niệm. Mỗi bước chân, ta thấy được vô số thế hệ tổ tiên và con
cháu đang cùng bước với ta.
Khi thở một hơi thở,
chúng ta thấy nhẹ nhàng, tĩnh lặng và an lành. Chúng ta thở như thế nào để tất
cả các thế hệ tổ tiên và con cháu cùng thở với ta. Chỉ khi đó ta mới đạt được
phương pháp thở cao nhất. Chỉ cần một ít chánh niệm và chánh định là chúng ta
có thể nhìn sâu và thấy được điều này. Ban đầu chúng ta có thể dùng phương pháp
quán tưởng (hình dung) để thấy được tất cả tổ tiên đang cùng bước với chúng ta.
Dần dần chúng ta không cần dùng phương pháp quán tưởng nữa. Mỗi bước chân ta
đi, ta điều thấy được đây là bước chân của tất cả mọi người từ quá khứ cho đến
tương lai.
Khi đang nấu một món
ăn mà ta học được từ cha hay mẹ, hay từ nhiều thế hệ trong gia đình trao truyền
lại, thì chúng ta nên nhìn vào đôi bàn tay của mình và mỉm cười bởi vì đôi bàn
tay này là đôi bàn tay của mẹ, là đôi bàn tay của bà ngoại. Những ai đã từng
làm món ăn này cũng đang có mặt và cùng làm với mình. Khi ở trong bếp nấu ăn,
chúng ta hoàn toàn có thể thực tập chánh niệm được, chúng ta không cần phải vào
thiền đường mới thực tập điều này.
Trong quá khứ, ông nội
ta có chơi bóng chuyền không? Bà nội có chạy bộ mỗi ngày không? Bà nội có cơ hội
thực tập an trú trong giây phút hiện tại trong khi bà đi bộ hoặc chạy bộ hay
không? Khi chạy bộ ta cũng nên để cho bà nội chạy bộ với ta. Bà ta có mặt trong
từng tế bào trên cơ thể ta. Chúng ta mang trong mình tất cả tổ tiên của chúng
ta trong lúc ta chạy bộ, trong lúc thiền hành hay khi an trú trong giây phút hiện
tại. Có thể những thế hệ đi trước không có cơ hội để thực tập như vậy. Giờ đây,
cho dù chúng ta đang đi bộ, chạy bộ, hay thở những hơi thở chánh niệm, chúng ta
cũng đều có cơ hội mang niềm vui và hạnh phúc tới cho vô số thế hệ tổ tiên của
chúng ta.
Khi ta băn khoăn trăn
trở với hàng loạt những câu hỏi như: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi đang muốn
điều gì? Cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì? Và ta đau khổ bởi vì ta bị kẹt vào ý
niệm ta là một cái ngã riêng biệt. Tuy nhiên, nếu quán chiếu cho sâu sắc, chúng
ta có thể thực tập được vô ngã. Chúng ta có thể nhận ra rằng ta không có một
cái ngã riêng biệt, ta liên hệ mật thiết với tổ tiên của ta, cũng như với tất cả
các loài hữu tình và vô tình khác.
Tâm lý học Tây phương
nhắm đến việc giúp tạo ra một cái ngã hiền thiện và ổn định, nhưng vì tâm lý học
Tây phương vẫn còn kẹt vào ý niệm ngã nên nó chỉ mang lại một ít chuyển hóa và
trị liệu mà không thể đi xa được. Khi nào ta còn bị kẹt vào ý niệm về một cái
ngã riêng biệt thì vô minh vẫn còn trong ta. Khi thấy được mối tương quan mật
thiết giữa ngã và vô ngã thì vô minh được chuyển hóa, và khổ đau, giận dữ, ganh
tị, sợ hãi sẽ biến mất. Nếu thực tập vô ngã, chúng ta sẽ giải đáp được những thắc
mắc ở trên và có khả năng vượt thoát được những vấn đề làm cho con người khổ
đau, điêu đứng.
Chúng ta là sự tiếp nối
của cả một dòng sinh mạng. Có thể cha mẹ chúng ta không có khả năng trân quý
chúng ta đủ, nhưng ông bà, tổ tiên của chúng ta muốn ta ra đời. Sự thật là ông
bà tổ tiên của chúng ta luôn muốn ta là sự tiếp nối của họ. Nếu biết được điều
này, ta sẽ không khổ đau nhiều vì những cách hành xử không dễ thương của cha mẹ.
Đôi khi cha mẹ ta cũng tràn đầy tình thương yêu nhưng có khi cũng đầy sự sân hận.
Tình thương và sự sân hận này không phải chỉ do một mình cha mẹ tạo ra mà chúng
được trao truyền từ tất cả các thế hệ đi trước. Thấy được điều này ta không còn
đổ lỗi cho cha mẹ về những khổ đau mà cha mẹ gây ra cho ta nữa.
Tập Khí
Mục đích của thiền tập
là nhìn sâu vào sự vật để thấy được gốc rễ của chúng. Nhìn sâu vào bất cứ một
hành động nào, ta cũng sẽ nhận ra được hạt giống của hành động đó. Hạt giống đó
có thể là từ ông bà tổ tiên trao truyền lại cho ta. Bất cứ hành động nào ta làm
thì tất cả tổ tiên của ta cũng đồng thời cùng đang làm với ta. Cha mẹ, ông bà,
cố nội, cố ngoại cũng đang làm với ta. Tổ tiên của ta đang có mặt trong từng tế
bào cơ thể ta. Có những hạt giống được gieo trồng trong suốt cuộc đời mình,
nhưng cũng có những hạt giống được gieo trồng trước khi hình hài này biểu hiện.
Đôi khi chúng ta làm
một điều gì đó không có cố ý, nhưng đó cũng là một hành động. Tập khí thúc giục
chúng ta, khiến chúng ta làm những điều mà chúng ta không ý thức. Đôi khi ta
làm mà ta không biết là ta đang làm. Cho dù có khi ta cũng không muốn làm mà ta
vẫn cứ làm. Có khi ta nói: “Tôi không muốn làm nhưng có cái gì đó thôi thúc
tôi, nó mạnh hơn tôi, xúi giục tôi phải làm.” Cái đó là hạt giống, là tập khí
đã được trao truyền từ nhiều thế hệ trong quá khứ.
Chúng ta đã thừa hưởng
rất nhiều. Nhờ chánh niệm mà chúng ta ý thức được những tập khí đã được trao
truyền lại cho chúng ta. Chúng ta có thể thấy rằng ông bà cha mẹ chúng ta cũng
có những yếu kém như chúng ta. Chúng ta có thể ý thức là những tập khí tiêu cực
này có gốc rễ từ tổ tiên của ta mà ta không lên án hay phán xét. Chúng ta có thể
mỉm cười với những yếu kém và tập khí của ta. Nhờ ý thức, chúng ta có khả năng
chọn lựa và chúng ta có thể hành động bằng một cách khác. Chúng ta có thể chấm
dứt vòng luẩn quẩn khổ đau ngay bây giờ.
Có thể trong quá khứ,
khi thấy mình làm những điều vô ý mà ta đã được thừa hưởng từ ông bà tổ tiên là
ta quay ra trách móc chính bản thân mình.
Ta thấy mình là một
cá nhân, là một cái ngã biệt lập đầy khiếm khuyết vụng về. Nhưng giờ đây nhờ
chánh niệm, chúng ta bắt đầu chuyển hóa và buông bỏ được những tập khí này.
Nhờ thực tập chánh niệm,
chúng ta nhận ra được là ta đang hành động theo tập khí. Đây là ý thức đầu tiên
mà chánh niệm đem lại. Sau đó, nếu tiếp tục thực tập, chánh niệm và chánh định
sẽ giúp ta nhìn sâu để thấy được cội nguồn gốc rễ của hành động đó. Hành động
đó có thể xuất phát từ những gì xảy ra hôm qua, hoặc là đã xảy ra cách đây 300
năm, có gốc rễ từ một trong những vị tổ tiên của ta. Một khi ý thức được hành động
của mình, chúng ta có thể phán đoán được hành động này có mang lại lợi lạc hay
không. Nếu không lợi lạc thì ta quyết định không lặp lại hành động này nữa. Nếu
ý thức được tập khí trong ta, để ý hơn về những suy nghĩ, lời nói và hành động
của mình thì chúng ta có khả năng chuyển hóa, không những cho bản thân mà còn
cho cả tổ tiên ta nữa, người đã gieo trồng hạt giống này. Chúng ta thực tập cho
tất cả tổ tiên và con cháu ta, mà không phải chỉ cho một mình ta, ta thực tập
cho toàn thế giới. Nếu chúng ta có khả năng mỉm cười với những khiêu khích tức
tối trong ta, ta sẽ ý thức được khả năng của mình, trân quý khả năng đó và tiếp
tục thực tập như vậy. Nếu ta có khả năng làm được điều này thì tổ tiên của
chúng ta cũng có khả năng mỉm cười với những gì tức tối khiêu khích trong họ. Nếu
một người giữ được bình tĩnh, mỉm cười được với những khiêu khích tức tối trong
lòng thì cả thế giới sẽ có được một cơ hội an lành, tốt đẹp hơn cho hòa bình.
Điểm mấu chốt là chúng ta phải ý thức về hành động của chúng ta. Và chánh niệm
sẽ giúp chúng ta hiểu được hành động này đến từ đâu, do đâu mà có.
Xem Tiếp Chương 3 –
Quay Về Mục Lục
0 Äánh giá